Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

TẬP TRUNG - DÂN CHỦ

TẬP TRUNG - DÂN CHỦ


Tập trung - phát huy sức mạnh vĩ mô; dân chủ - phát huy sức mạnh vi mô. Hợp lý tính thì tồn tại. Giá trị làm cho sự tồn tại. Sức mạnh vi mô có giá trị của riêng nó và sức mạnh vĩ mô cũng có giá trị của riêng nó. Sức mạnh vĩ mô chỉ bền vững trên cơ sở, nền tảng của sức mạnh vi mô. Nếu tách khỏi sức mạnh vi mô thì sức mạnh vĩ mô sẽ trở thành sức mạnh duy lý trí (sức mạnh ảo tưởng của một cái bong bóng khổng lồ!).

Trong cuộc sống, mỗi người nói riêng (xã hội, loài người nói chung) luôn phải đối diện với những lực lượng "sức mạnh" đe dọa tới các mục đích cuộc sống của bản thân. Tức thời - sức người chẳng đáng kể, do vậy để đối chọi lại các lực lượng sức mạnh (quyền lực) lớn hơn giới hạn sức mạnh của bản thân, thì con người luôn đủ khôn ngoan để biết đoàn kết với nhau lại. Người ta chỉ đoàn kết với nhau được bởi vì người ta có chung mục đích (lợi ích). Bên cạnh những mục đích chung, mọi người còn có những mục đích riêng (tùy vào ưu thế của mỗi người trong việc thỏa mãn những nhu cầu đặc thù quy định). Mục đích chung và mục đích riêng có mối quan hệ biện chứng và luôn luôn chuyển hóa. Do vậy, để có thể duy trì được sự đoàn kết vì mục đích chung (vốn luôn biến đổi) thì người ta phải "cam kết" với nhau những "quy ước ràng buộc" (khế ước xã hội) - như một sự trả giá cho việc thực hiện mục đích riêng. Như vậy, xét về mặt lý lẽ, TẬP TRUNG là việc thực hiện "quy ước ràng buộc chung". Những "quy ước ràng buộc" chung này trong những điều kiện nhất định có thể sẽ "khắc chế" việc thực hiện mục đích (tự do) riêng của một ai đó - khiến họ sẵn sàng trả giá phá bỏ "quy ước chung" để đạt mục đích riêng của mình. Vậy đâu là cơ sở và giới hạn của những "quy ước ràng buộc" chung này để hạn chế tối đa sự khắc chế "tự do" của mỗi cá nhân (tự do của người này là tiền đề cho tự do của người khác)? - Đó chính là sự hiểu biết về quá khứ, hiện tại và tương lai cuộc sống của xã hội.

Hiện tại là tương lai của quá khứ và là quá khứ của tương lai. Vấn đề của chúng ta là ở hiện tại, chúng ta hiểu biết được hiện tại không gì khác là thông qua kinh nghiệm trong quá khứ cùng với "năng lực phán đoán" tương lai. Tuy nhiên, thuộc tính "tương lai" của hiện tại là một thuộc tính luôn biến hóa, bất định; trong khi đó, thuộc tính "quá khứ" của hiện tại và "năng lực phán đoán" của chúng ta có giới hạn về mặt phản ánh "hiện tại". Do đó, "quy ước ràng buộc" chung không thể cứng nhắc (tất định) mà cần bao gồm hai loại:

+ Luật "cứng" (thành văn), nhưng lại là "mềm" (dễ dàng điều chỉnh). Luật "cứng" (thành văn đó) được thiết lập trên cơ sở logic với kinh nghiệm văn hóa-lịch sử và hệ triết lý của dân tộc lựa chọn, xây dựng nên (triết lý của dân tộc là cơ chế và thể hiện năng lực phán đoán của dân tộc; triết lý của nhà nước là cơ chế và thể hiện năng lực phán đoán của nhà nước).

+ Luật "mềm" (những nghị quyết "ứng phó" tình huống nhất thời, có thời hạn), nhưng lại "cứng" (trong việc thi hành). Cơ sở luật "mềm" này là được thiết lập bởi cơ quan quyền lực đại diện - được sự nhất chí bởi phần đông những thành viên trong cơ quan quyền lực đại diện.

Để đảm bảo sức mạnh TẬP TRUNG - thống nhất (đồng tình, ủng hộ) của mỗi cá nhân trong việc tuân thủ thực hiện "quy ước ràng buộc chung", thì mỗi cá nhân có quyền được tham gia vào việc "điều chỉnh" "luật thành văn" thông qua việc thuyết phục của bản thân trước xã hội, dựa trên cơ sở logic - luận cứ, luận chứng căn cứ trên sự hiểu biết kinh nghiệm lịch sử và nhất quán với hệ triết lý dân tộc; ngoài ra, người công dân có quyền chỉ ra cho xã hội biết những luật "mềm" cần thiết hay không nhất thiết phải đặt ra hay đã đến thời gian cần hủy bỏ so với diễn biến của thực trạng (đó chính là giới hạn của "tự do ngôn luận"). Những quyền "tự do ngôn luận này" phải được luật pháp (luật "cứng" và luật "mềm") ghi nhận, bảo vệ - đó chính là thể hiện quyền DÂN CHỦ: bao gồm quyền tự do tư tưởng và ngôn luận; đồng thời, cả nghĩa vụ phải thực hiện (theo như "nguyên tắc ứng xử" đã định).

Tập trung để giải quyết vấn đề vĩ mô, dân chủ để giải quyết vấn đề vi mô. Vấn đề vĩ mô và vắn đề vĩ mô có quan hệ biện chứng với nhau. Tập trung và dân chủ là hai nguyên tắc căn bản để tiến tới một xã hội bớt đi "gánh nặng" - nhà nước trên vai mỗi người dân. Hợp lý tính thì tồn tại. Lý do tập trung giá trị xã hội là nhằm cho việc thích nghi: đối đầu với các đối tượng đe dọa lợi ích chung. Khi không có mối đe dọa nào hết thì cần giải phóng các xiềng xích ràng buộc cho việc thực thi những "cái Lý" riêng cho sự giải phóng nguồn lực xã hội.

Bạn đấu tranh vì dân chủ? - Hãy nhìn lại chính bản thân xem bạn đã thật sự dân chủ hay là vẫn còn gia trưởng với chính mình và những người xung quanh mình? - Khi đó bạn sẽ biết bạn đấu tranh vì sự tự ý thức hay bạn chỉ là phương tiện cho người khác thực hiện mục đích của họ?! Dân chủ và gia trưởng là hai mặt biện chứng. Vấn đề không phải là dân chủ hay là gia trưởng, vấn đề là ước nguyện về "trật tự thế giới" của số đông là gì.

Tóm lại, quyền lợi và nghĩa vụ là hai mặt biện chứng. DÂN CHỦ tức là việc người dân có quyền - được quy định bởi luật, trong đó có quyền tự do tư tưởng - ngôn luận góp phần trong việc điều chỉnh, hình thành "luật", song đồng thời với quyền lợi có được đó là nghĩa vụ thực thi các luật đã định (luật "cứng" + luật "mềm"). Việc xây dựng luật ("quy ước ràng buộc chung") phải căn cứ trên nguyên tắc đã định (không tùy tiện). Cũng vì lẽ đó, nguyên tắc tập trung – dân chủ của cộng đồng này không vận dụng một cách tùy tiện vào cộng đồng khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét