Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Khai Chân là gì?


Khai Chân là gì?

Chân là cái nền tảng, cái khởi nguyên, cái tận cùng, cái gốc rễ... Con người sử dụng tính “chân” để thiết lập nên các khái niệm như “chân lý”, “chân thật”, “chân thành”, “chân nhân”, “chân chính”… Trong một số tình huống, “chân” được nhìn nhận như là cái nền tảng, cái khởi đầu, bởi từ cái chân đó sinh ra tất cả những thứ khác. Trong một số tình huống, “chân” được nhìn nhận như là sự tận cùng, là bởi vì nhận thức của con người tìm ra nó sau cùng…

Chúng ta cần hiểu rằng “Chân” là một khái niệm có tính lý tưởng, tức là một giá trị để theo đuổi. Nó không được thể hiện bằng những thứ cụ thể và hữu hình, tức là nó không bao giờ đạt được thông qua những thứ cụ thể và hữu hình. Nó thúc đẩy nhận thức của con người mở rộng hơn nữa, đào sâu hơn nữa để nhận ra những tầm nhìn mới phổ quát hơn, tìm ra những bản chất mới sâu xa hơn, và quá trình đó là một quá trình không có giới hạn.

Con người từ lâu đã theo đuổi cái Chân, sự theo đuổi này được thể hiện thông qua những tiến bộ về khoa học nói riêng và nhận thức nói chung, như là sự phát triển của thế giới quan và nhân sinh quan ở con người. Tính Chân của một con người được thể hiện như là tinh thần khoa học, sự không dừng lại trước một hiểu biết hữu hạn nào đó mà luôn luôn tò mò, luôn truy vấn, luôn luôn mưu cầu, luôn luôn khao khát những kiến thức mới sâu sắc hơn.

Một cách cụ thể, có thể miêu tả tính “Chân” thông qua những lộ trình sau:

Con người nhìn nhận thế giới thông qua những nhà cửa, đồ đạc, cây cối, động vật, sông núi, mây trời… Sau đó, họ phân chia chúng theo các dạng vật chất cấu tạo nên chúng, đó là đất, nước, lửa, gỗ, kim loại… Thế rồi, họ phát hiện ra rằng tất cả những vật chất ấy đều được tạo thành từ những vật chất khác nhỏ hơn, chung hơn là các phân tử, nguyên tử… Và rồi, quá trình này không ngừng tiếp diễn, để đến hôm nay chúng ta biết rằng cả vũ trụ này được cấu tạo từ một vài loại hạt sơ cấp duy nhất, vận động theo một vài loại lực cơ bản duy nhất.

Con người nghĩ rằng mình là sản phẩm của Thượng Đế, được nhận đặc ân của Thượng Đế để thống trị muôn loài. Sau đó, họ nhận ra rằng họ có cùng nguồn gốc với động vật và bản thân họ là loài động vật tiến hóa cao nhất. Bây giờ, họ nhận ra rằng trước họ đã có những giống loài tiến hóa cao như thế hoặc hơn thế, và họ nhận ra rằng sự tồn tại của họ, của nền văn minh này cũng như là sự phát sinh, hình thành rồi hủy diệt như một ngôi sao bất kỳ trong vũ trụ…

Con người nghĩ mình nằm ở trung tâm vũ trụ và các ngôi sao, hành tinh quay xung quanh, sau đó họ phát hiện ra mặt trời là trung tâm và trái đất quay xung quanh mặt trời. Sau đó, họ lại cho rằng trung tâm ngân hà, rồi vị trí của vụ nổ Big Bang là trung tâm, và sau cùng, họ nhận ra tính tương đối của các hệ quy chiếu…

Cái Chân, bản thân nó là một giá trị trừu tượng và vô hình, nên không mấy ai nhìn ra được ý nghĩa và giá trị của nó. Chúng ta thường nhìn nhận nó thông qua những thành tựu mà nó mang lại, đó là các phát kiến khoa học, các học thuyết xã hội…và sự ứng dụng của chúng vào đời sống để phục vụ con người – kỹ thuật , công nghệ, khoa học xã hội. Thế nên, đôi khi chúng ta nhầm lẫn giữa việc theo đuổi cái Chân đối với việc nắm bắt được các công nghệ, các phát kiến khoa học, các tư tưởng xã hội. Và vì sự hiểu nhầm này mà con người chỉ biết tiếp thu những thành tựu văn minh mà không biết tự tìm ra hay sáng tạo văn minh, tự làm thui chột khả năng tư duy, khả năng sáng tạo, tìm tòi của mình, tự dời xa cái Chân mà vẫn nghĩ mình đang theo đuổi cái Chân. Sự nhầm lẫn này tạo ra một bi kịch, bi kịch cho chính những người hiểu nhầm và bi kịch cho xã hội, khi hiểu cái Chân thông qua những hình thức biểu hiện có tính nhất thời của nó – một sự xa dời cái Chân và phủ nhận cái Chân.

Vậy Khai Chân là gì? Khai Chân, mục đích cuối cùng là tạo ra một con người khao khát cái Chân, hiểu ý nghĩa của cái Chân, có đầy đủ các công cụ và kỹ năng để theo đuổi cái Chân.

Sự khao khát cái Chân có thể được bắt đầu như là sự tò mò, thói quen quan sát và phán đoán về thế giới xung quanh, cao hơn nữa là tìm cách lý giải, đúc kết các quy luật về tự nhiên về thế giới thông qua các quan sát và phán đoán đó. Sau cùng, nấc thang cao nhất của sự Khai Chân là làm cho con người tự đồng nhất mình với cái Chân, coi việc tìm kiến ra cái bản chất, cái cốt lõi của vấn đề như là một sứ mệnh của mình, như là một bản năng của mình, như là một cách để mình có được hạnh phúc.

Chúng ta có thể hiểu về niềm hạnh phúc của con người theo đuổi cái Chân thông qua niềm hạnh phúc của các nhà khoa học, nhà tư tưởng lỗi lạc (Einstein, Darwin, Copecnic, Sokrates…), những con người có thể nói về khoa học với một niềm đam mê bất tận, có thể đánh đổi vinh quang, địa vị, tài sản, sự an toàn của mình… để đổi lấy niềm vui nghiên cứu khoa học, để đổi lấy sự phổ cập của các chân giá trị tới xã hội…

Hiểu ý nghĩa của cái Chân, trước hết là hiểu thế nào là cái Chân, hiểu về một con người theo đuổi cái Chân, hiểu về sự cần thiết của xã hội về cái Chân, và hiểu về vai trò của cái Chân đối với sự hình thành và phát triển của nền văn minh như là một xu hướng tất yếu. Sự hiểu ý nghĩa của cái Chân khiến con người có niềm tin vững chắc vào những giá trị mình theo đuổi, biết cách vun đắp những giá trị đó cho mỗi con người nói riêng và lan tỏa những giá trị đó ra xã hội nói chung.

Các công cụ để theo đuổi cái Chân là các năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm tư duy, cũng như các nền tảng kiến thức cần thiết để vận dụng tư duy của mình. Có thể hiểu một cách trực quan, nền tảng kiến thức giống như các chất hoặc hợp chất hóa học có sẵn trong tự nhiên hoặc được nhân tạo, còn năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm tư duy giống như những công cụ điều chế hóa chất, để từ các hóa chất kia con người tìm ra được những hóa chất mới ưu việt hơn, hoặc đơn giản là tìm ra các nguyên tố hóa học cơ bản nhằm phục vụ các mục đích khác của hóa học.

Khai chân là một quá trình phức tạp và đầy rủi ro, đầy cạm bẫy. Con người có thể bị nhầm lẫn giữa Chân và các giá trị, các thành tựu của cái Chân. Con người có thể thất bại, không tìm thấy cái Chân vì không đủ kiến thức, năng lực, hay lòng kiên trì. Con người có thể bỏ cuộc vì những áp lực khác đến từ đời sống xã hội… Bởi vậy, sự Khai Chân đã diễn ra rất lẻ tẻ trong quá trình phát triển của nhân loại, và hiếm khi thành công bởi một môi trường giáo dục công nghiệp. Khai Chân chỉ thực sự trở nên phổ biến, trở nên dễ dàng khi những nhà giáo dục thực sự hiểu được bản chất cái Chân, biết về các công cụ Khai Chân, và giàu kinh nghiệm để có thể vượt qua được những rào cản, trở ngại, những sai lầm từ phía xã hội hay phía người được Khai Chân, có thể là từ chính bản thân mình.

Giáo dục Khai Sáng
https://www.facebook.com/giaoduckhaisang/photos/a.272532939550962.1073741829.272507962886793/308747395929516/?type=1

-------------------------------------------
Chúng ta có thể bỏ ra nhiều chục triệu đồng, hàng chục ngàn giờ luyện kỹ năng để học ngoại ngữ - thứ công cụ giúp chúng ta giao tiếp với người nước ngoài, những người được coi là hài hước, là thú vị, là hiểu biết, là nhân hậu, là lịch lãm, là văn hóa; thứ công cụ giúp chúng ta tiếp cận với khoa học kỹ thuật phương Tây, nền khoa học được coi là tiên tiến, hiện đại nhất thế giới.

Tuy nhiên, chỉ cần vài triệu đồng, vài chục giờ để học tập, vài ngàn giờ để bồi dưỡng và luyện tập các năng lực tư duy, năng lực cảm xúc, năng lực tinh thần để trở thành con người hài hước, thí vị, hiểu biết, nhân ái, lịch lãm, có văn hóa ...; đủ khả năng để tự mình xây dựng một nền văn minh tiên tiến, hiện đại... thì ít ai trong chúng ta dám nghĩ đến.
------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét