Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

GIANG VĂN MINH - VỊ SỨ GIẢ "BẤT NHỤC QUÂN MỆNH”? (Lịch Sử)

GIANG VĂN MINH - VỊ SỨ GIẢ "BẤT NHỤC QUÂN MỆNH”?

Chuyện vị sứ thần Giang Văn Minh phụng mệnh vua Lê đi sứ nhà Minh đối đáp đanh thép, khí phách quỷ thần kinh chỉ là giai thoại truyền kỳ, chẳng hề có chính sử nào ghi, lâu nay tôi chỉ nghe qua rồi thôi,
 chẳng lưu tâm lắm. Nhưng vừa rồi tình cờ đọc được bài viết của nhà sử học Lê Văn Lan trên tường nhà ông: “Giang Văn Minh, vị sứ thần làm vẻ vang cho đất nước”

Nhà Sử Học Lê Văn Lan 
https://www.facebook.com/nshlevanlan/posts/741190619330011:0

Nhận thấy những lời tôn vinh Giang Văn Minh của ông Lê Văn Lan là không đủ cứ liệu chuẩn xác khả tín, không xứng với ngòi bút của nhà sử học, nên tôi mạo muội xin trình bày đôi kiến giải thô thiển của mình, mong được các bậc túc học chỉ giáo thêm cho.

1/. Giang Văn Minh khiến nhà Minh phải bãi bỏ việc cống người vàng đền món “nợ Liễu Thăng”.

Tóm lược chuyện này (theo lời kể của Lê Văn Lan) thì vầy:

Đoàn cống sứ nước ta không được thiên triều cho vào triều kiến ngay, mà phải ăn chực nằm chờ ngoài dịch xá. Khi đến ngày khánh thọ vua Minh, Giang lăn ra khóc lóc thảm thiết làm kinh động đến tai thiên tử. Sùng Trinh bèn vời vào để hỏi nguồn cơn. Giang Văn Minh tâu rằng vì đã đến ngày giỗ tằng tổ mà tấm thân đi sứ lưu lạc chẳng được về thắp nhang cho ông bà nên động lòng mà thương khóc. Vua Minh bèn bảo việc ông tổ đã ba đời rồi đến nay còn gì là ràng buộc tình cảm nữa mà phải bi thiết dường kia. Vin vào câu nói ấy, Giang Văn Minh tâu rằng việc Liễu Thăng bị giết cũng đã ngoài hai trăm năm, cớ sao Minh triều còn tưởng đến, đòi cống nạp người vàng thế mạng mà chi. Vua Minh đuối lý, nên từ đó thiên triều bãi bỏ việc cống nạp người vàng.

Cái mô-típ khóc lóc ỉ ôi nói chuyện dần lân trên của Giang Văn Minh nghe sao tương tự tích trâu đực có chửa trong truyện Trạng Quỳnh; và rất tiếc, cái kết luận Giang lập được công to kia là điều không có thực. Bởi đến mãi sau này, trong những quốc thư bang giao giữa Quang Trung với Càn Long vẫn còn cù nhầy chày cối với nhau với việc cống “đại thân kim nhân” (người vàng thế mạng) kia mà, sao có thể bảo Giang Văn Minh chỉ bằng màn kịch khóc lóc là bãi được lệ ấy?

2/. Câu đối khí phách.

Vẫn theo lời Lê Văn Lan. Nhân ngày nắng ráo, Giang Văn Minh nằm cởi áo phanh bụng ngoài sân dịch xá để sưởi nắng. Minh Tư tông (Sùng Trinh) mới vời vào hỏi, Giang thưa: Bụng tôi chứa cả bồ sách, để lâu sợ ẩm mốc nên nay nhân dịp nắng ráo phải mang ra phơi (lại một lần nữa, ta thấy Giang sứ thần sao mà gần gũi với Trạng Quỳnh quá đi, he he!). Vua Minh nghe vậy mới bảo ra vế đối để thử tài văn chương họ Giang. Vế ra là:

銅柱至今苔已綠 Đồng trụ chí kim đài dĩ lục
Nghĩa là: Cột đồng (ý nói cột đồng Mã Viện chôn ở nước ta) nay đã phủ rêu xanh.

Giang Văn Minh khẳng khái đáp ngay:

騰江自古血猶紅 Đằng giang tự cổ huyết do hồng
Nước sông Bạch Đằng (ý nhắc chiến công thời nhà Trần đại phá quân Nguyên) từ xưa vẫn nhuộm máu đỏ hồng.

Sùng Trinh nổi giận vì vế đối phạm thượng, nên cho trám đường vào mắt, miệng Giang, rồi cho mổ bụng ông xem “sứ thần An Nam to gan lớn mật đến chừng nào?”

Ủa ngộ kìa, máu nhuộm Bạch Đằng là máu của quân Nguyên – Mông, có dính dáng gì đến nhà Minh mà Sùng Trinh phải nổi giận thế kia?

Và câu đối hào hùng khí phách chan chát gươm khua trống giục như vậy, sao chẳng hề thấy được ghi trong tài liệu chính sử nào?

Theo “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”, tháng Chạp Đinh Sửu Dương Hòa năm thứ 3 (khoảng 1-1638), triều đình cử hai sứ bộ sang Trung Hoa, một đoàn do Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu làm chánh sứ đi cầu phong, một đoàn do Thám hoa Giang Văn Minh làm chánh sứ đi triều cống; còn “Lịch triều hiến chương loại chí”, Bang giao chí(*) cũng có ghi việc hai sứ bộ này, nhưng chẳng hề thấy ghi lại sự tích bi tráng của Giang Văn Minh; rồi trên chính văn bia “Thám hoa công truy trạng bi” 探花公追狀碑 do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tạo đề (niên hiệu Tự Đức thứ 2 - 1849) cũng không hề có lời nào nhắc đến công trạng hủy bỏ cống người vàng cùng câu đối hiên ngang dẫn đến cái chết lẫm liệt của Giang Văn Minh như nhà sử học Lê Văn Lan đã viết. Tại sao kỳ vậy cà? Hỏi vậy là biết câu trả lời rồi he!

Nên nhớ, trong bang giao giữa hai nước Việt - Trung, chẳng khi có nào có việc giết sứ giả cả. Nếu có việc kinh thiên động địa như vậy, tất phải có ghi lại. Huống chi buổi ấy nhà Lê đương thần phục nhà Minh, đoàn sứ sang lại là TRIỀU CỐNG, có vua nào điên cuồng lạm sát đến độ đi giết kẻ mang quà đến biếu mình không? Và lại giết chính viên chánh sứ? Cho nên, ở đây, tôi dám cho rằng Giang Văn Minh bị mất trên đường đang khi triều cống trở về, vậy thôi, và những giai thoại trên kia chỉ là do tưởng tượng mà chế ra.

Còn những gì ông Lê Văn Lan viết chỉ là dựa trên cuốn “Giang Thám hoa tộc phả” 江探花族譜, vốn là quyển gia phả của nhà họ Giang, do ông Giang Văn Hiển thuộc đời thứ 10 của dòng họ Giang viết, vào năm 1849, tức đã hơn 200 năm sau khi Giang Văn Minh mệnh một. Trang 13-14 của gia phả này (xem ảnh) có ghi lại hai giai thoại trên, sau đó được đưa vào sách “Danh nhân quê hương”, tập 3 - Nguyễn Khắc Đạm, Bùi Huy Hồng, Nguyễn Vỵ, Ngọc Liễn,… (1976), Ty Văn hóa Hà Sơn Bình xuất bản. Chính là từ quyển “Danh nhân quê hương” này mà giai thoại về Giang Văn Minh được lan truyền.

Sách vở của Ty văn hóa, và nay là bài viết của ông Lê Văn Lan, đã lấy giai thoại chép trong gia phả để đôn lên thành lịch sử chính biên, hỡi ôi!
___________
(*) "Bang giao chí" chép: “[1715] (năm Khang Hy thứ 54 nhà Thanh), sai Nguyễn Công Cơ, Lê Bùi Anh Tuấn, Đinh Nho Hoàn, Nguyễn Mậu Áng sang cống nhà Thanh. Khi Nguyễn Công Cơ trở về, có đem tờ tư của Lễ bộ nói là phụng chỉ vua Thanh, những đồ cống vật như lư hương, bình hoa bằng vàng và chậu bạc cho chiếu theo số cân đúc thành đĩnh vàng, đĩnh bạc mà nộp cống, giao cho Bố chính ty Quảng Tây thu trữ, còn ngà voi và sừng tê cho miễn cống” [Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương loại chí, tập 2, tr.606-607].

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét